Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_Mozdok-Stavropol

Quân đội Liên Xô

Sau khi được tăng viện Tập đoàn quân 58 trong Chiến dịch Nalchik-Ordzhonikidze, Cụm tác chiến Bắc Kavkaz có bốn tập đoàn quân bộ binh và một tập đoàn quân không quân. Sát trước thời điểm diễn ra chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tiếp tục tăng cường cho mặt trận này hai cụm quân xe tăng, hai quân đoàn kỵ binh Kuban. Ngày 24 tháng 1, Cụm tác chiến Bắc Kavkaz được nâng cấp thành Phương diện quân Bắc Kavkaz và vẫn do trung tướng (từ ngày 24 tháng 1 là thượng tướng) I. I. Maslennikov chỉ huy. Biên chế lúc khởi đầu chiến dịch gồm:

  • Tập đoàn quân 9 do trung tướng K. A. Koroteev chỉ huy, biên chế gồm có:
    • Quân đoàn bộ binh 11 gồm các sư đoàn bộ binh cận vệ 8, 9, 10 và sư đoàn bộ binh nhẹ 57;
    • Các sư đoàn bộ binh 89, 151, 176 389 và 317
    • Lữ đoàn hải quân đánh bộ 62.
    • Các trung đoàn pháo binh, thông tin, công binh, kỹ thuật.
  • Tập đoàn quân 37 được tổ chức lại do trung tướng P. M. Kozlov chỉ huy, biên chế gồm có:
    • Quân đoàn bộ binh 57;
    • Quân đoàn bộ binh 82;
    • Sư đoàn bộ binh độc lập 53;
    • Các trung đoàn pháo binh, thông tin, công binh, kỹ thuật.
  • Tập đoàn quân 44 do trung tướng V. A. Khomenko chỉ huy, trong biên chế có:
    • Quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 Kuban;
    • Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 Kuban;
    • Các sư đoàn bộ binh 138, 156, 157, 236, 302;
    • Các trung đoàn pháo binh, thông tin, kỹ thuật;
  • Tập đoàn quân 58 do tướng K. S. Melnik chỉ huy, trong biên chế có:
    • Quân đoàn bộ binh 24;
    • Các sư đoàn bộ binh 417, 328 và 337;
    • Sư đoàn biên phòng Makhachkala;
    • Lữ đoàn bộ binh độc lập 3.
    • Các trung đoàn pháo binh, thông tin, kỹ thuật;
  • Cụm xe tăng của tướng V. I. Filippov gồm 3 lữ đoàn xe tăng và 1 lữ đoàn bộ binh, được trang bị 123 xe tăng, hoạt động trong dải tiến công của Tập đoàn quân 9.
  • Cụm xe tăng của tướng G. P. Lobanov gồm 3 lữ đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn pháo chống tăng tự hành, được trang bị 106 xe tăng và 24 pháo chống tăng tự hành, hoạt động trong dải tiến công của Tập đoàn quân 44.
  • Tập đoàn quân không quân 4 của thượng tướng không quân K. A. Vershinin, trong biên chế có:
    • Các sư đoàn không quân tiêm kích 216, 217 và 229;
    • Sư đoàn không quân cường kích 230;
    • Sư đoàn không quân ném bom 219;
    • Sư đoàn không quân ném bom ban đêm 218;
    • Sư đoàn không quân vận tải 7.

Quân đội Đức Quốc xã

So với thời điểm các tháng 11 và 12 năm 1942 khi Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) công kích Mozdok-MalgobekNalchik-Ordzhonikidze, đến đầu năm 1943, Tập đoàn quân xe tăng 1 Đức không còn mạnh như trước. Chưa tính đến những tổn thất đáng kể mà tập đoàn quân này gánh chịu trong hai chiến dịch tấn công không thành công nói trên thì việc phải "hoàn trả" sư đoàn xe tăng 23 cho Tập đoàn quân xe tăng 4 và điều chuyển Quân đoàn sơn chiến 49 cho Tập đoàn quân 17 cũng tạo nên những thiếu hụt không nhỏ trong đội hình của tập đoàn quân. Bắt đầu cuộc rút quân ngày 5 tháng 1 năm 1943, biên chế còn lại của Tập đoàn quân xe tăng 1 lúc này do tướng Eberhard von Mackensen chỉ huy gồm có:

  • Quân đoàn xe tăng 3 do tướng Hermann Breith chỉ huy, trong biên chế có:
    • Sư đoàn xe tăng 13 của tướng Wilhelm Crisolli gồm các trung đoàn xe tăng 4, 66, 93; các đơn vị pháo binh, trinh sát, công binh.
    • Sư đoàn cơ giới SS "Wiking" (từ 11 tháng 2 năm 1943 là Sư đoàn xe tăng 5 SS "Wiking") của tướng Felix Steiner gồm các trung đoàn xe tăng "Germania", "Nordland" và "Westland"; các đơn vị pháo binh, trinh sát, công binh.
  • Quân đoàn xe tăng 40 (từ ngày 11 tháng 2 năm 1943 chuyển thành Quân đoàn cơ giới 40) do tướng Gotthard Heinrici chỉ huy, trong biuên chế còn lại có:
    • Sư đoàn xe tăng 3 của tướng Franz Westhoven gồm các trung đoàn xe tăng 3, 6, 394, trung đoàn pháo tự hành 75, các tiểu đoàn cơ giới trinh sát 39 và 543.
    • Phần còn lại của sư đoàn kỵ binh 2 Romania.
    • Sư đoàn kỵ binh của cựu trung tướng Bạch vệ Nga A. G. Shkuro.
  • Quân đoàn bộ binh 52 do tướng Eugen Ott chỉ huy, trong biên chế còn lại có:
    • Sư đoàn bộ binh 50 (Sư đoàn Küstrin) của tướng Friedrich Schmid gồm các trung đoàn bộ binh 121, 122, 123, trung đoàn pháo binh 150 và tiểu đoàn cơ giới trinh sát 71.
    • Sư đoàn bộ binh 370 của tướng Fritz Becker gồm các trung đoàn bộ binh 666, 667, 668 và trung đoàn pháo binh 370.
    • Sư đoàn đổ bộ đường không 5 (chuyển từ Tập đoàn quân 17 sang).

Tuân theo sự chỉ đạo của tướng Ewald von Kleist, sách lược của tướng Eberhard von Mackensen là rút lui từng phần để bảo toàn lực lượng còn lại, bất chấp những lời thúc giục của thống chế Erich von Manstein yều cầu Tập đoàn quân xe tăng 1 phải rút nhanh về tuyến sông Manych để đối phó với cuộc tấn công của Phương diện quân Nam (Liên Xô). Đích thân tướng Ewald von Kleist đã vạch ra 5 tuyến rút lui cho tập đoàn quân này, trong đó, khu vực Stavropol được coi là tuyến quan trọng nhất.[4]